Hà Giang nổi tiếng với nhiều địa điểm thăm quan hút khách như cao nguyên đá Đồng văn, cung đường đèo Mã Pí Lèng, thung lũng hoa tam giác mạch.... Trong đó, cột cờ quốc gia Lũng Cú là địa danh không thể không nhắc tới.
Cột cờ Lũng Cú có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông là một cột cờ quốc gia nằm ở đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng có độ cao khoảng 1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và là điểm đánh dấu mốc cực Bắc của Việt Nam.
Trong một bài ký, nhà thơ Vũ Duy Thông đã khẳng định: “Là người Việt Nam, nếu chưa ... trên đỉnh Lũng Cú để ngắm lá cờ của Tổ quốc, kể ra vẫn thiếu thiếu cái gì đó…”. Cùng chung quan điểm nên mỗi ngày đều có rất nhiều lượt du khách đến thăm cột cờ Lũng Cú.
Để đến điểm cực Bắc của Tổ quốc, du khách đi dọc theo quốc lộ 4C ngược lên phía Đông Bắc khoảng 160km là đến xã Đồng Văn, huyện Đồng Văn. Từ đây, du khách tiếp tục xuôi theo con đường trải nhựa nối liền hai xã Lũng Cú – Đồng Văn khoảng 40km là đến đỉnh Lũng Cú.
Giữa vùng đất ¾ là đá nổi bật lên cột cờ Tổ quốc, trông xa giống như một ngọn tháp còn xung quanh là phong cảnh núi rừng hùng vĩ, trùng điệp… Khi tới gần, cột cờ hiện lên ngày càng rõ nét. Được xây dựng đầu tiên từ thời Lý Thường Kiệt và ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc, cột cờ đã qua nhiều lần trùng tu để có hình dạng như ngày nay.
Hiện tại, cột cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam.
Để lên cột cờ, du khách phải vượt qua quãng đường 1,5 cây số với 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ.
Riêng 389 bậc thang đá có nguồn gốc rất thú vị.
“Thông thường, khi tính con số đẹp, người ta hay chọn “9 nút”. Riêng tôi lại nghĩ: nhất chín, nhì bù. Đã đành, số 9 là con số đẹp nhất, nhưng số 10 lại tính thêm được phần “bù” của những người lính bảo vệ biên cương chúng tôi. Khi cầm súng ở địa đầu Tổ quốc này, chúng tôi nghĩ cả đất nước luôn đứng đằng sau mình, luôn “bù” cho mình tất cả những tình cảm thiết tha yêu mến nhất.
Cột cờ Lũng Cú tượng trưng cho ý chí và sự kiên định bảo vệ từng tấc đất từng mỏm đá của Tổ quốc, đó cũng là khát vọng của những người lính biên cương chúng tôi. Vì thế, tôi đề nghị với ban xây dựng Cột Cờ nên chọn con số 389 (bậc), một con số “tiến” và nếu cộng lại thì “tròn 10”. Đó là con số cuối cùng, tột đỉnh, như một lời thề”, Đại tá Lê Trân, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Đồng Văn, tác giả của con số 389 bậc đá chia sẻ.
Leo lên từng bậc thang, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh vật thay đổi dần dần. Lên trên đỉnh, khung cảnh thậm chí còn khoáng đạt hơn nhiều phần. Những cây thông xa xa, ruộng bậc thang đợt xanh đợt vàng nối tiếp nhau ở lưng chừng núi. Đặc biệt, từ trên đỉnh Lũng Cú nhìn về phía tây có hai hồ nước dù cao nhưng nguồn nước luôn trong xanh không bao giờ cạn được người dân ví là “long nhãn” (mắt rồng). Tương truyền xưa kia, cư dân vùng này luôn thiếu nước sinh hoạt, điều đó đã làm cho rồng thiêng động lòng trắc ẩn nên trước khi bay về trời đã để lại đôi mắt cho dân làng, tạo thành hai hồ nước ngày nay.
Đã đặt chân đến Hà Giang, du khách không nên bỏ qua địa danh cột cờ Lũng Cú, nơi địa đầu Tổ quốc từ lâu đã trở thành hình ảnh thiêng liêng trong lòng mỗi người con đất Việt. Sau khi chìm trong cảm giác lâng lâng, thiêng liêng vì đã chinh phục xong cột cờ, du khách cũng có thể ghé thăm đồn biên phòng Lũng Cú, nơi có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú. Nghe các chiến sĩ kể lại, hầu như 10 – 15 ngày lá cờ lại được thay mới vì bị hỏng do sức gió trên đỉnh núi. Những lá cờ này sẽ được giữ lại để làm quà tặng cho các đoàn khách đặc biệt mang theo về một kỉ vật lá cờ tổ quốc từng tung bay trên đỉnh cột cờ.
Vietsense Travel tổ chức nhiều Chương trình trọn gói khám phá Hà Giang quanh năm. Quý khách có thể tham khảo thông tin hành trình, giá vé tại đây.