Từ khi khánh thành cho đến nay, cầu quay sông Hàn đã trở thành một nét đẹp độc đáo mà du khách Đà Nẵng nào cũng phải tới chiêm ngưỡng.
Được khởi công vào ngày 2/9/1998, cầu quay sông Hàn chính thức đi vào sử dụng ngày 29/3/2000. Đây là cây cầu quay đầu tiên do kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế thi công và cũng là cây cầu quay duy nhất ở Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.
Nối liền hai trục đường chính của thành phố là đường Lê Duẩn ở bờ Tây và đường Phạm Văn Đồng ở bờ Đông, cầu có chiều dài 487,7 mét, rộng 12,9 mét với 11 nhịp, mỗi nhịp dài 33 mét, kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực. Cây cầu có 2 nhịp dây văng có tổng chiều dài 122,7 mét, kết cấu dầm và tháp cầu chính bằng thép, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.
Câu chuyện về lịch sử ra đời của cầu quay sông Hàn cũng rất thú vị. Người sống lâu năm ở đây kể lại rằng sau ngày giải phóng, Đà Nẵng chỉ có duy nhất cây cầu Nguyễn Văn Trỗi do Mỹ xây dựng trong chiến tranh phục vụ giao thông đi lại của người dân. Muốn sang trung tâm thành phố, người dân quận ba (quận Sơn Trà bây giờ) vốn còn nghèo khó phải di chuyển bằng phà.
Đến tận năm 1997, khi mà Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì ban lãnh đạo quyết định xây dựng cầu sông Hàn với ý nghĩa chào mừng thiên niên kỷ thứ ba và mong đợi sự ra đời của câu cầu đánh dấu bước ngoặt, sự chuyển mình của một Đà Nẵng trẻ trung, năng động, biểu tượng cho khát vọng vươn lên của người dân thành phố.
Ngoài nguồn vốn của Nhà nước, thành phố đã huy động thêm sức dân, kêu gọi người dân chung tay đóng góp để xây dựng cây cầu độc đáo có một không hai của thành phố. Sau lời kêu gọi ấy, người người nhà nhà đã nườm nượp người đến quyên góp, ủng hộ tiền xây cầu với số tiền đóng góp lên đến gần 7 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, cây cầu bắc qua sông Hàn đã trở thành công trình mang tính đột phá về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố lúc đó.
Năm 2008, nhân dịp thành phố Đà Nẵng lần đầu tiên tổ chức hội thi pháo hoa quốc tế, cầu đã được trang hoàng bằng hệ thống đèn màu hiện đại, có khả năng cảm thụ âm nhạc và thay đổi màu sắc tùy theo tiếng động. Với màn biểu diễn ánh sáng đầy ấn tượng, cầu quay sông Hàn càng trở nên cuốn hút lạ thường.
Giờ đây, chương trình Đà Nẵng mà không ghé thăm cầu quay sông Hàn thật sự là một thiếu sót lớn. Cứ vào khoảng 1 giờ đêm hàng ngày, phần giữa của cây cầu quay 90 độ quanh trục và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu lớn đi qua. Khoảng 4 giờ sáng cầu sẽ quay trở lại như cũ.
Trong đêm tối thấp thoáng ánh đèn, thức khuya và ngắm cầu Sông Hàn quay đã trở thành một cái thú của nhiều người dân thành phố Đà Nẵng hay khách thăm quan phương xa. Đương lúc dòng sông thơ mộng lững lờ trôi, vừa uống cafe hoặc ăn ở các nhà hàng gần bờ sông, vừa ngắm cảnh ở cầu quay sẽ là một trải nghiệm lý thú với du khách. Từ trên cầu nhìn xuống, cảnh Đà Nẵng dường như càng lung linh và huyền ảo hơn. Dạo bước trên cầu hay chụp những bức ảnh để làm kỷ niệm sẽ khiến bạn mãi khắc trong tim
Ngày nay, đã có nhiều cây cầu bắc qua sông Hàn như Cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Thuận Phước… nhưng cầu quay sông Hàn vẫn là cây cầu đem lại nhiều ấn tượng nhất. Nó là niềm tự hào và biểu tượng cho khát vọng đi lên của người dân thành phố đáng sống này.