Đến thế kỉ XIII, tất cả kết quả của nền văn hóa Tống, trong đó có nghi lễ uống trà, bị tàn phá do cuộc chiến tranh xâm lược và cai trị của quân Nguyên. Nghệ thuật thưởng trà suy vi và chỉ được phục hồi phần nào vào thời Minh. Minh Thái Tổ (1368-1399) là người đầu tiên nghĩ ra cách uống trà như ngày nay: pha búp trà vào đỉnh, khi trà chìm xuống thì uống. Sau năm 1391, Minh Thái Tổ đã ra chiếu quy định rằng trà cống nạp cho triều đình phải được đổi từ dạng bánh sang dạng rời (thực ra, cách uống trà rời này bắt đầu có từ thời Nguyên, do tăng lữ dùng trong chùa miếu). Chiếu của hoàng đế nhanh chóng làm thay đổi thói quen uống trà của người dân: từ trà khuấy sang trà ngâm (“tiễn trà”). Cách làm là ngâm lá trà vào một cái bát hay cái chén có nuớc nóng.
Với cách uống trà rời, kỹ thuật chế biến chỉ còn các công đoạn sao, vò, sấy,… chứ không làm bánh trà như trước. Sau khi thu hái lá trà non thì đặt vào trong nồi để sao gọi là “Sao thanh”, hoặc phơi trà ngoài nắng gọi là “Phơi xanh”, sau đó vò thành sợi nhỏ, lại tiến hành sao sấy mà công đoạn sao, vò là quan trọng nhất bởi nó quyết định màu sắc, hương thơm và mùi vị của trà. Trà từ đây có hình dạng sợi rời như ngày nay.
Sách “Giới Trà Tiên” thời Minh đề xuất “30 điều nên có” và “7 điều cấm kị” trong các tình huống khác nhau khi dùng trà, với những yêu cầu tỉ mỉ về điều kiện, tình cảm, việc làm cần thiết khi uống trà (nơi uống trà phải sạch sẽ, thoáng, củi đun nước pha trà, cốc dùng trà, dụng cụ pha trà,…). Trong quá trình uống trà người uống thường bình phẩm về màu sắc, mùi vị của trà và tranh luận về trà ngon hay không, nơi sản xuất, cách chế biến, lúc thu hái… Nước pha trà thì thường dùng nước suối.
“Khảo ban dư sự” của Đồ Long tại thời Minh có bình luận “Trà ngon mà không có người uống thì cũng như tưới nước suối cho rau ngải, tội không gì lớn bằng. Trà ngon mà có người uống mà không biết thưởng thức, uống một hơi hết ngay, không biết được mùi vị của nó thì thô tục không gì bằng” [dẫn theo Đường Đắc Dương 2003: 1206].
Phương pháp mới cũng kéo theo việc sáng tạo ra các loại ấm chén mới cũng như các hộp và thùng đựng trà. Thời này, người ta ưa dùng những chiếc chén sứ nhẹ, có men trắng [Okakura Kakuzo 1967: 39].
Trà đạo trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống người Trung Quốc
Trà cụ đời Minh quay trở lại những đồ bằng gốm, sứ, vì cho rằng sự đạm bạc là tôn chỉ của nghệ thuật: chén trà được ưa chuộng là loại có men màu trắng. Ấm đất Nghi Hưng màu gan gà hoặc đen tím, hình tròn, có miệng, nắp và tay cầm được đặc biệt ưa chuộng. Nghi Hưng là tên một thành phố chuyên làm đồ gốm, nằm sát bờ hồ Đại Phú chảy ra sông Trường Giang, cách Thượng Hải khoảng 120 km về hướng Tây Bắc. Nghi Hưng có một loại đất sét đỏ rất thích hợp để làm ấm trà và các loại trà cụ khác không cần phải tráng men.
Ấm đất Nghi Hưng có các đặc điểm: (1) chế nước sôi vào không tổn hại đến sắc, hương, vị của trà; (2) vị trà không biến chất; (3) chịu nhiệt cao, mùa đông có đổ nước sôi vào cũng không bị nứt; (4) đặc biệt dùng lâu, không cho trà vào cũng ra nước trà; (5) càng dùng càng bóng; (6) ít truyền nhiệt, không bỏng tay; (7) có nhiều màu sắc, muốn chọn màu nào tùy thích [Vương Tùng Nhân 2004: 207-208]. Ấm đất Nghi Hưng chỉ mới trở nên tiếng từ đời Thanh, cuối thế kỷ XVII.