Ai Đi Trải Nghiệm Đà Lạt đều biết đến khu đồi thông hai mộ ở đây. Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình được tạo nên bởi những cây thông xanh ngắt quanh năm soi bóng bên hồ nước, tưởng chừng nơi đây chỉ có thể là điểm hẹn hò lãng mạn, chốn nghỉ dưỡng tuyệt vời với du khách. Tuy nhiên, khu đồi này còn được biết đến với câu chuyện tình buồn được lưu truyền qua tháng năm.
Đồi thông hai mộ là một điểm thăm quan trải nghiệm Đà Lạt nổi tiếng, nằm trên đồi thông bên bờ hồ Than Thở, Đà Lạt. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía Đông, thắng cảnh này thu hút khách bởi cảnh rừng thông bạt ngàn trong không gian yên bình, nên thơ. Ngoài ra, nơi đây còn trở nên nổi tiếng bới những câu ly kì thường được người quanh vùng kể lại cho du khách đến tham quan.
Trong số những huyền sử ở đây, có một câu chuyện tình mà kể cả những người chưa từng đến Đà Lạt cũng biết là mối tình của chàng trai Vũ Minh Tâm và cô gái Lê Thị Thảo cách đây 60 năm. Thiên tình bi thương này đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Hồng Vân sáng tác nên bài hát "Đồi thông hai mộ" rất được yêu thích.
Chuyện kể rằng vào năm 1956, chàng trai vốn xuất thân trong gia đình đại điền chủ giàu có ở Vĩnh Long đã lên Đà Lạt theo học tại Trường Võ bị Đà Lạt (Nay là Học viện Lục quân Đà Lạt). Ở nơi cao nguyên thơ mộng ấy, chàng đã gặp nàng, một cô gái địa phương vốn là trẻ mồ côi được các Sơ nhà thờ nuôi dạy từ nhỏ:
"... năm ấy khi tuổi vừa đôi chín
Tâm hồn đang trắng trong
Như chim non khi ăn còn chưa no
Khi co còn chưa ấm.”
Hai người yêu nhau say đắm và đã thề non hẹn biển, thường gửi thư tình cho nhau ở một ngôi nhà cạnh hồ Than Thở. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, chàng về hỏi xin bố mẹ cưới cô thì bị gia đình phản đối kịch liệt bởi lẽ không môn đăng hộ đối. Vì là con trai độc đinh, anh Tâm đành giữ tròn chữ hiếu, từ bỏ cô giáo viên dạy Văn trường Bùi Thị Xuân và cưới con gái của một gia đình giàu sang theo ý bố mẹ. Tuyệt vọng, vào một buổi chiều tháng 3/1956, Thảo đã quyên sinh tại hồ Than Thở. Trước khi mất, cô còn xé tà áo dài trắng viết lên 2 câu thơ để lại trên bờ hồ:
"Tà áo trắng nay tình ta đã hết
Chút tình này xin trả lại cho nhau"
Thể theo nguyện vọng của cô, người ta đã chôn cất thi hài Thảo ở đồi thông bên cạnh hồ Than Thở, nơi ngày xưa hai người từng hẹn hò. Vài tháng sau, anh Tâm trở lại Đà Lạt thì hay tin dữ. Anh đã ra mộ người yêu xưa và khóc hồi lâu, quyết định viết đơn nhập ngũ. Sau đó, trong một lần lâm trận mà anh Tâm bị thương nặng, không thể cứu chữa. Trước khi mất anh đã nhờ người thân đưa về Đà Lạt chôn gần Thảo. Nhật ký của anh còn ghi lại câu chuyện tình của mình như sau:
"Nước biếc non xanh dù biến đổi
Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm
Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt
Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương
Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương.
Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành..."
Thê là người ta đã xây hai căn bộ gần nhau và đề một tấm bia chung, đề tựa những câu thơ ở trên.
"... mộ chàng đã được ở cạnh nàng
Như lời xưa thề ước
Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc
dưới mộ sâu đất khô
Qua bao năm rêu xanh phủ che kín..."
Một thời gian sau, người vợ của anh Tâm lên Đà Lạt thấy hai ngôi mộ liền kề nhau đã đem lòng ghen tức. Sau khi chờ 3 năm để mãn tang, cô đã đem thi hài anh về Vĩnh Long để chôn cất.
Đến năm 1997, thành phố Đà Lạt cấp phép cho công ty TNHH Thùy Dương cải tạo lại khu vực hồ Than Thở và đồi thông hai mộ để khai thác chương trình. Người ta đã cho sửa sang lại ngôi mộ cho cô giáo Lê Thị Thảo và xây thêm một ngôi một gió kế bên đề tên Vũ Minh Tâm để hoàn thành di nguyện của hai người.
Phong cảnh khu vực Đồi thông hai mộ khá đẹp và thoáng mát nên đây là điểm hẹn hò được nhiều cặp tình nhân lựa chọn. Tuy nhiên, do nằm cách xa dân cư lại khá vắng vẻ nên cũng có trường hợp tìm đến cái chết ở đây, làm khu đồi nhuốm màu huyền bí.
Còn người dân địa phương thì cho rằng đừng nên gieo những lời đồn không hay ở đồi thông hai mộ bởi nơi đây chất chứa một câu chuyện tình đáng ngưỡng mộ. Và rồi thì hằng ngày, gió và thông vẫn vi vu kể cho du khách về một mối tình đẹp và buồn năm nào...
Tình Sử Bi Thương Đằng Sau Khu Đồi Thông Hai Mộ Đà Lạt
1
0
1
2 bài đánh giá