Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn tại Đà Nẵng, Làng Đá Mỹ Nghệ Non Nước là một địa điểm trải nghiệm văn hóa hấp dẫn thu hút rất đông du khách đến tham quan và khám phá. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những tuyệt tác mà con người tạo ra từ đá cùng phong cảnh nước non hữu tình thơ mộng.
trải nghiệm Đà Nẵng, du khách không chỉ được khám phá biển mơ màng, những danh thắng nổi tiếng mà còn được tìm hiểu về các làng nghề truyền thống lâu đời. Và hẳn nhiên nếu đã đến đây, bạn không thể bỏ qua làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước ở dưới Ngũ Hành Sơn - một trong 2 biểu tượng của thành phố biển này.
Nằm trong Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước thuộc địa phận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8km. Đây là một làng nghề đã có lịch sử gần 400 năm và thu hút rất đông du khách ghé thăm mỗi năm.
Theo người dân địa phương kể lại, nghề chế tác đá ở Ngũ Hành Sơn được hình thành vào thế kỷ XVIII do một nghệ nhân tên là Huỳnh Bá Quát mang nghề từ Thanh Hóa vào. Thuở sơ khai ấy, những người thợ đá chỉ khai thác đá tại chỗ để sử dụng trong xây dựng và tạo ra một số dụng cụ lao động đơn giản như: cối xay, cối giã, đá buộc neo thuyền, đá buộc chài dụ cá… Sau đó, làng nghề dần phát triển và những người thợ cũng theo đó mà chế tác ra các sản phẩm điêu khắc bia mộ, vật phẩm nghệ thuật trang trí tại các miếu thờ, lăng tẩm, cung đình… tinh xảo và kỳ công.
Người thợ nào của làng Non Nước cũng đều tự hào rằng trong thời chống mỹ, gia đình ông Huỳnh Phước Thảo trong làng đã bí mật tổ chức cưa, xẻ, vận chuyển gần 200 phiến đá trắng, đỏ, cẩm thạch quý hiếm đưa ra xây Lăng Hồ Chủ tịch. Màu đỏ của cờ đỏ sao vàng ghép bằng đá trang trí trên lăng đại diện cho tinh hoa của người thợ làng Non Nước.
Sau ngày thống nhất đất nước, những người làm nghề điêu khắc đá đã cùng nhau tập hợp lại thành lập Hợp tác xã Đá mỹ nghệ Non Nước. Khi đó, hợp tác xã chỉ có 130 xã viên với 35 thợ điêu khắc còn hầu hết là lao động phổ thông. Nguyên liệu được khai thác tại chỗ, sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống đã tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ có kích thước nhỏ gọn, có thiết kế độc đáo nhưng số lượng chưa nhiều. Đến năm 2006, Hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã được thành lập theo quyết định số 458/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng. Qua thời gian, làng nghề hiện có 497 cơ sở sản xuất với trên 3.000 lao động, đóng góp lớn cho chương trình và kinh tế của thành phố đáng sống.
Ấn tượng đầu tiên mà du khách có được khi bắt đầu đặt chân đến làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước là những tiếng đục đẽo, tiếng máy xẻ đá vang lên chát chúa. Dọc hai bên đường là hàng trăm cửa hiệu trưng bày các sản phẩm từ chuỗi hạt, mặt đá trang sức đến cối, cốc, bàn ghế bằng đá, tượng nhân sư, thần Vệ Nữ, danh nhân, Phật Di Lặc, Phật bà Quan Âm, tượng Chúa, Sư tử... rất phong phú, đa dạng về màu sắc mẫu mã cũng như kích thước.
Các sản phẩm ở làng nghề đá mỹ nghệ Non nước đều được điêu khắc bằng tay, phải trải nhiều công đoạn từ lựa chọn đá, hình dung phôi tượng, đục đẽo… cho tới khâu cuối cùng là mài và đánh bóng tượng. Dù rằng công nghệ hiện đại đã giúp ích rất nhiều để làm giảm bớt sự vất vả của thợ chế nhưng điều quan trọng làm nên các sản phẩm được người dân khắp nơi ưa chộng vẫn là bàn tay con người và nhất là hồn người. Mỗi sản phẩm được tạo ra đều là một tác phẩm nghệ thuật đích thực được làm nên từ những đôi bàn tay cần mẫn, khéo léo, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Trước đây, đá được sử dụng chủ yếu được lấy trực tiếp từ Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên, để bảo tồn cảnh quan nên sau này khi có quy định cấm khai thác đá, người ta đã nhập đá vôi, cẩm thạch, sa thạch, mắt mèo, thạch anh... từ các địa phương khác.
Ngày nay, sản phẩm của làng đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước, mà còn xâm nhập vào nhiều thị trường lớn trên thế giới. Với chất lượng, mẫu mã và độ tinh xảo ngày càng được nâng cao, giá thành sản phẩm cũng ngày một tăng lên.
Những người dân thuộc làng đá Non Nước đã bao đời nay sống cùng đá, nhờ đá. Mỗi một sản phẩm ra đời được xem như “đứa con tinh thần” mang trong mình hơi thở và nhịp sống của họ. Bởi vậy, những sản phẩm mỹ nghệ được tạo ra vừa là món quà lưu niệm đối với du khách, vừa là kết tinh nguồn sống, niềm đam mê sáng tạo của những người thợ ngày đêm miệt mài thổi hồn vào những tảng đá vô tri kia.