Theo truyền thuyết ghi lại thì kẹo hồ lô ra đời cách đây hơn 800 năm, bắt đầu từ đời nhà Tống (960 - 1279). Lúc này, một trong những phi tần của hoàng đế Tống Quang Tông (1147 - 1200) bị mắc một căn bệnh nan y khó chữa mà nhiều thái y giỏi trong triều đình phải bỏ cuộc.
Thế nhưng, lúc này trong dân gian xuất hiện một vị thần y đã mang đến phương thuốc khá lạ để chữa bệnh cho nàng phi tần này. Phương thuốc này chỉ đơn giản là sử dụng những quả táo gai nhúng vào nước đường đun nóng và cho người bệnh ăn từ 5 - 10 viên trước mỗi bữa ăn.
Chỉ sau 2 tuần, quả nhiên phương thuốc này đã phát huy tác dụng kỳ diệu trước sự ngỡ ngàng của thái y và các vị quan trong triều. Từ đó, phương thuốc này được lan truyền rộng rãi và kẹo hồ lô bắt đầu phổ biến trong dân gian như một món ăn vặt vừa ngon miệng vừa tốt cho sức khỏe.
Người dân Trung Quốc nói chung và người dân Bắc Kinh nói riêng mê mẩn những viên kẹo hồ lô
Thật ra, hình dạng ban đầu của kẹo hồ lô không phải như những xiên kẹo bây giờ. Khi mới ra đời, hình dáng của những xiên hồ lô chỉ có 2 viên táo mà thôi, viên nhỏ nằm trên, viên to hơn nằm bên dưới. Từ hình ảnh này khiến người ta liên tưởng đến quả hồ lô nên tên gọi kẹo hồ lô cũng xuất hiện từ lúc này.
Thế nhưng, dần về sau này, người Trung Quốc bắt đầu cho thêm các viên kẹo vào que xiên, mỗi xiên có thể lên đến 8 - 10 viên nên trông càng hấp dẫn hơn. Trong dân gian thời xưa ở Trung Quốc, không chỉ có trẻ em mà ngay cả những người lớn tuổi cũng bị cuốn hút với các xiên kẹo ngọt màu sắc đỏ óng vô cùng hấp dẫn này.
Cây kẹo đẹp mắt này có từ lâu đời ở Trung Quốc
Bên cạnh vị ngọt thanh khó cưỡng thì những viên kẹo hồ lô đỏ rực còn tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Do đó, người Trung Quốc còn quan niệm rằng, ăn kẹo hồ lô cũng có tác dụng xua đuổi vận xui và mang lại may mắn, tốt đẹp cho người ăn. Ngoài ra, hình ảnh những viên kẹo tròn trịa, căng đầy và đỏ rực còn tượng trưng cho sự viên mãn, đầy đủ, sung túc.
Mặc dù, kẹo hồ lô là món ăn vặt có mặt quanh năm ở Trung Quốc, thế nhưng với ý nghĩa đầy tốt đẹp nêu trên đã khiến cho kẹo hồ lô được bán rầm rộ ở Trung Quốc vào dịp đầu năm mới. Người Trung Quốc còn có thói quen mua kẹo hồ lô tặng các trẻ nhỏ với ý nghĩa mong các bé khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn.
Đặc biệt, ngày mùng 9/1 hàng năm còn được chọn làm ngày lễ hội kẹo hồ lô ở Thanh Đảo. Lễ hội kẹo hồ lô thường kéo dài cả tuần và thu hút rất nhiều du khách trong nước lẫn ngoài nước kéo đến tham gia.
Giá của món ăn này cũng khá "bình dân", tính ra chỉ vài nhân dân tệ một viên (vài nghìn đồng)
Nếu như ngày xưa, kẹo hồ lô chỉ dùng những quả táo gai đỏ rực làm nhân thì ngày nay người Trung Quốc còn sáng tạo và đa dạng thêm hương vị của kẹo hồ lô bằng các loại nguyên liệu khác như quả quất vàng, hạt dẻ, hạt chà là...
Ngoài ra, đôi khi kẹo hồ lô của Trung Quốc còn được phá cách bằng các loại trái cây như dâu tây, dứa, nho khô, kiwi và cả socola rắc đường hạt... Mặc dù màu đỏ nguyên thủy của kẹo hồ lô đã đủ hấp dẫn nhưng nếu điểm thêm vài viên kẹo hồ lô hiện đại thì càng khiến xiên kẹo trở nên đầy màu sắc và càng bắt mắt gấp bội.