Theo sách “Hưng Yên tỉnh nhất thống chí” của Trịnh Như Tấu, thời Nguyễn (thế kỷ 19), chùa Chuông được coi là “Phố Hiến đệ nhất danh lam” (nghĩa là: chùa Chuông ở Phố Hiến là đẹp nhất). Chùa tọa lạc trên mảnh đất rộng lớn thuộc tổng An Tảo, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên xưa (nay thuộc thôn Nhân Dục, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên).
Tam quan chùa Chuông
Tương truyền, vào năm diễn ra đại hồng thuỷ thời Lê Sơ (thế kỷ 15), một chiếc bè gỗ đã bị cuốn trôi vào bãi sông của thôn Nhân Dục. Trên bè có một quả chuông vàng rất đẹp. Người dân trong vùng tìm mọi cách mang chuông vào bờ nhưng chỉ có dân thôn Nhân Dục kéo được chuông về. Cho là trời phật phù hộ, người dân trong thôn bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Từ đó, chùa có tên gọi là Kim Chung tự (tức chùa Chuông Vàng).
Con đường dẫn tới nhà Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay, chùa mang kiến trúc kiểu "Nội công ngoại quốc", mặt quay về hướng nam, theo quan niệm của đạo Phật là hướng gắn liền với hạnh phúc và điều thiện. Quần thể kiến trúc chùa Chuông được bố trí cân xứng, hài hòa trên một trục trải dài từ cổng Tam quan đến nhà Tổ. Tam quan chùa gồm ba tầng lầu, có các họa tiết, hoa văn trang trí hình rồng được đắp nổi trên bề mặt cổng. Qua cổng Tam quan, du khách sẽ đến cây cầu đá xanh bắc ngang qua ao mắt rồng để vào sân chùa. Tại đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian rộng rãi, thoáng đãng, cây cối tươi tốt. Giữa sân là con đường trải đá xanh dẫn thẳng tới nhà Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Hai nhà Tiền đường và Thượng điện của chùa đều có 5 gian 2 chái, kiến trúc theo kiểu con chồng đấu sen. Qua Thượng điện là tới hai dãy hành lang đối xứng nhau dẫn tới nhà Mẫu, nhà Tổ và lầu chuông.
Hệ thống các pho tượng Phật được lưu giữ tại chùa