Nằm trên thượng nguồn sông Chảy, thôn văn hóa Cốc Nghê, xã Bản Mế (Si Ma Cai, Lào Cai), là một trong số ít thôn còn giữ được những ngôi nhà cổ của người Mông mang vẻ đẹp trầm tịch khó quên.
Thanh bình Cốc Nghê
Những già làng ở Cốc Nghê kể lại, khoảng 60 năm trước, một số gia đình người Mông ở xã Cán Hồ, vùng thượng huyện Si Ma Cai đến đây chơi, thấy vùng đất này nằm bên bờ sông Chảy, có khí hậu ấm áp, đất đai rộng rãi, màu mỡ, nguồn nước dồi dào, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nên đã đến khai phá vùng đất mới để lập nghiệp. Chẳng mấy chốc, những nương ngô, ruộng lúa mọc lên xanh tốt, cuộc sống của nhân dân đã no ấm hơn, thu hút thêm nhiều hộ chuyển đến, làm cho bản làng thêm đông vui. Thôn Cốc Nghê hiện nay có khoảng 40 hộ đồng bào Mông sinh sống.
Ấn tượng đầu tiên khi du khách đến Cốc Nghê, đó là vẻ đẹp của những ngôi nhà tường trình đất với mái ngói âm dương rêu phong, tạo nên vẻ đẹp hoài cổ, hoang sơ kỳ lạ. Không phải là một hai ngôi nhà, mà cả chục mái nhà ngói cổ nằm san sát nhau, tạo nên một không gian kiến trúc độc đáo. Những ngôi nhà có mái ngói cổ tầm 30 năm tuổi đều được giữ gìn cẩn thận, nhiều ngôi nhà trải qua hàng chục năm mái ngói vẫn còn nguyên, mưa, nắng làm cho những viên ngói âm dương chuyển sang màu xám xanh rêu phong. Nhà người Mông làm theo lối tường trình đất, với những bức tường dày gần 50 cm, lại có mái ngói dày, lợp xếp lớp như vảy cá, nên mùa hè thoáng mát, mùa đông ấm áp.
Hoa gạo nở đỏ rực góc trời Cốc Nghê
Đến thăm Cốc Nghê vào tháng 3 âm lịch, mùa này đồng bào Mông đi làm nương ngô, nên thôn yên tĩnh hơn. Du khách vừa được đi dạo trên đường bê tông sạch sẽ vào tận thôn, ngắm những mái nhà cổ giữa lất phất mưa xuân, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa gạo nở đỏ thắm trên sườn đồi, dưới thung lũng. Đâu đó nghe có tiếng chim họa mi hót véo von lưng trời, tiếng chim cu gáy cúc cu gọi bạn bên bờ tre mái ngói, tiếng gà rừng gáy trưa xao xác… đưa ta vào không gian vừa trầm tịch, vừa yên bình không thể nào quên.
Trầm tịch Cốc Nghê
1
0
1
2 bài đánh giá