Trải Nghiệm Ăn Trọn Món Ngon Đà Lạt
Ngoài những món đặc sản như: bánh tráng nướng, bánh căn, bánh ướt lòng gà,... bạn còn biết những món ăn siêu ngon khác tại Đà Lạt không?
Nếu như trước đây, bạn và mọi người có mặc định suy nghĩ chương trình Đà Lạt là một điểm đến thơ mộng cho những đôi lứa yêu nhau, là điểm đến để du khách khám phá những địa điểm nên thơ lãng mạn hiếm có thì chắc chắn sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ phải thay đổi suy nghĩ bởi ẩm thực Đà Lạt cũng là một trong những lí do cực kì lôi cuốn du khách đến với nơi đây.
Ăn sáng nhẹ nhàng với bánh mì xíu mại
Sáng sớm tinh mơ và để mở đầu cho hành trình khám phá ẩm thực, hội bạn đã chọn cho tôi một món cực nhẹ nhàng đó là món bánh mì xíu mại của một quán nằm ngay góc ngã ba Hoàng Diệu và Trần Nhật Duật.
Đây chỉ là một quán ăn rất nhỏ với một chiếc tủ nhôm được kê trong góc với vài ba cái nồi đựng sẵn xíu mại bên trong. Phía trước thì có thêm lò than nấu nồi sữa đậu thơm phưng phức lướt ngang mũi làm tôi tỉnh luôn cả cơn buồn ngủ.
Gọi thử hai "chén đầy đủ" - đây là cách gọi tắt cho nhanh của quán với xíu mại, chả, ớt và mỗi phần có thêm 1 ổ bánh mì. Rất nhanh thôi, chưa đầy 2 phút là một bà cụ đã bưng ra 2 phần "đầy đủ" đặt lên bàn cho tôi. Lạ lẫm quan sát mọi người ăn xong tôi mới vội chụp lấy ổ bánh mì bẻ đôi ra định chấm vào chén nước dùng. Nhưng chưa kịp biết là có thích món xíu mại này hay không thì tôi đã ưng bụng ngay với ổ bánh mì nóng hổi ấm tay, đặc ruột và giòn khấu như mới từ lò ra. Đảo lia đảo lịa quanh quán, tôi phát hiện ở cách tôi 1 cái bàn là lò than hồng đang cháy âm ỉ dùng để nướng lại những ổ bánh mì này trước khi mang ra phục vụ cho khách.
Cầm miếng bánh mì trong tay, tôi chấm vào chén nước dùng, kẹp thêm miếng xíu mại đã được xắn đôi, chút hành lá vừa chín tới vẫn còn xanh và rất thơm và không quên thêm miếng ớt cay nồng. Một tổ hợp các thể loại vị và cảm xúc làm tôi phấn khích hẳn. Tôi còn nhớ rõ nước dùng được nêm nếm rất vừa miệng, lại có vị thơm nhẹ từ nước mắm. Quan trọng là viên xíu mại mềm mà không bở, thịt không quá nhiều mỡ khiến tôi càng ăn càng thấy thích. Đến một hồi hết chén khi nào không hay.
Vì mới là món khởi động nên sau đó nó cứ làm tôi muốn ăn thêm nữa, mà mấy đứa bạn trong hội khuyên quá nên tôi đành để dành bụng cho các món khác của mình.
Bún bắp bò của Ấp Ánh Sáng
Nằm cách hàng bánh mì một đoạn không quá xa, hàng bún bò này được xem là nổi tiếng nhất nhì tại Đà Lạt và đông khách nhất trong Ấp Ánh Sáng (thuộc khu dân cư cũ nằm gần bùng binh Hồ Xuân Hương với dốc lên chợ Đà Lạt).
Trong hầu hết tất cả các món bún thì để món ăn đó có ngon hay không là phụ thuộc nào nước dùng rất nhiều.
Nước dùng ở đây thật sự rất đậm đà. Nếm kỹ bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh từ nước xương, nước của thịt bò, nếu bạn nhạy mũi thì còn có thể nghe được hương thơm thoang thoảng của mắm ruốc được nêm kèm vào nước dùng nữa đấy.
Điểm khác biệt và làm quán này trở nên nổi tiếng là vì mỗi tô bún bò rất chất lượng. Trong mỗi tô có 4 đến 5 lát thịt bò và một cục giò nạc siêu to mà chỉ có giá 30k/phần. Quán lại mở cửa từ sáng sớm và phục vụ dễ thương, thoải mái.
Nem nướng cuộn rau xanh
Quán nem nướng có tuổi đời hơn 20 năm nằm trên đường Phan Đình Phùng.
Đây là quán khang trang, rộng rãi và thoải mái nhất từ sáng đến giờ tôi được dẫn tới. Nhưng vừa bước vào bên trong, tôi đã chợt thấy cảnh 3, 4 người phụ nữ tay nhanh thoăn thoắt vừa bóc, vừa nặn những viên thịt đỏ hồng vào que đũa và xếp ngay ngắn trên hai cái mâm lớn. Tò mò đến hỏi, các chị ở đây cho biết đây chính là những xiên nem mà quán đang làm trước khi đem nướng và phục vụ khách. Thịt làm nem phải được làm từ "thịt nóng" tức là heo mới vừa mổ vẫn còn tươi và giữ được sắc hồng tự nhiên của thịt. Hàng ngày ở đây phải làm đến ngàn que như thế này thì mới đủ phục vụ.
Ngồi vào bàn tôi gọi phần nem lớn, với nem nướng, bánh tráng chiên giòn, chén đồ chua và một đĩa rau tươi.
Vừa đặt xuống bàn là tôi nhìn ngay vào đĩa rau và phải tấm tắc một điều là rau ở đây tươi thật. "Vào ngay ổ rau, xứ rau Đà Lạt nên lá nào cũng tươi xanh um và sạch sẽ". Vì đây là món phải cuộn cùng bánh tráng và đặc biệt phải có rau sống nhiều thì mới ngon. Nên rau phải tươi và quan trọng là phải sạch thì bạn mới có thể thoải mái thưởng thức mùi vị của những món ăn khác.
Sau khi cuộn được một cuốn gồm có nem, bánh tráng chiên, rau sống, ít đồ chua rồi thì phải chấm ngay vào chén tương đậu đặc biệt được pha chế dành riêng cho món ăn này. Lúc đó bạn sẽ cảm nhận được rõ hương thơm và vị ngọt chiết ra từ những xiên nem, và cả tiếng "rau ráu" giòn tan từ miếng bánh tráng chiên giòn hòa quyện cùng nhau vô cùng tuyệt vời.
Bánh ướt lòng gà
Đây chắc chắn là món ăn đặc biệt của phố Đà Lạt. Vì bình thường ở Sài Gòn, bánh ướt chỉ được ăn với chả lụa, chả mỡ, nem chua và giá đỗ trụng chín. Tuy nhiên có một hàng bánh ướt nằm trên đường Tăng Bạt Hổ lại được ăn cùng với lòng gà và nước mắm nhạt chan xăm xắp.
Nghe thì lạ, nhưng ăn rồi thì mới thấy ngon và hợp vị vô cùng. Miếng bánh ướt trắng mềm mịn màng, kẹp cùng miếng lòng gà và chiếc bánh chiên giòn kháu được chan nước mắm sẵn mới thật sự thú vị làm sao. May mắn sau tôi còn gọi được thêm một chén trứng gà non cuối cùng trong quán. Khi ăn cùng thì trứng gà non càng làm cho món ăn này thêm vị béo, thơm và vô cùng tươi mới.
Bánh căn nóng - Tăng Bạt Hổ
Nằm ở lưng chừng con dốc đường Tăng Bạt Hổ, hàng bánh căn này được xem là địa điểm ăn uống không thể bỏ qua khi đến Đà Lạt. Vì thế tôi cũng đã đến đây được vài lần từ những chuyến đi trước. Nhưng suốt nhiều năm qua, hàng bánh căn này vẫn không hề có sự thay đổi nào. Vẫn là cái bếp đó với những cái khuôn đất đã ngã màu, vẫn bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ, đơn sơ và quan trọng là cái mùi và hương vị của từng miếng bánh vẫn thơm như ngày nào.
Trước khi gọi, bạn nên chọn trước cho mình loại bánh căn mà mình thích với 2 loại. Một loại được làm từ trứng gà/vịt và một loại được làm từ trứng cút. Tuy nhiên theo sở thích của tôi thì bánh căn ăn với trứng cút là ngon nhất. Vì trong mỗi cái bánh vẫn còn nguyên vẹn một quả lòng đỏ, nên lúc ăn, bạn sẽ cảm nhận rõ mùi thơm, vị bùi và ngậy.
Mà cái ngon nhất của bánh căn là chấm ngập cặp bánh còn nóng hổi vào chén nước chấm, không quên gắp thêm ít thịt heo, chả lụa và hành lá vào ăn cùng. Quả thật những mùi vị ấy khi hòa quyện vào cùng nhau luôn khiến người ta nhớ mãi.
Sữa chua phô mai
Với một bụng đầy đồ ăn như thế này thì chắc chắn là tôi phải tìm một món gì đó để thật mau tiêu hóa. Điều này làm tôi chợt nhớ đến món sữa chua phô mai khu Chùa Tàu mà bạn bè tôi thường nhắc tới mỗi khi lên Đà Lạt.
Thể theo nguyện vọng, hội nghiện ăn uống đã đèo tôi suốt gần chục cây số lên xóm Chùa Tàu để ăn món này.
Ngay trước cổng chùa là cả một dãy các quán nước, quần áo đủ các kiểu, nhưng không nhà nào mà không bán món sữa chua phô mai này. Đang lúc băn khoăn không biết nên chọn quán nào, tôi và nhóm bạn đã tấp ngay vào một quán ở giữa dãy.
Chẳng cần gọi, vừa mới bước vào quán là trong nhà liền có người mang ra một hộp to đùng đựng hẳn 12 hủ phô mai nhỏ bên trong và muốn ăn bao nhiêu là tùy bạn. Lại bốc đại một hộp, nghiên muỗng, xấn nhẹ, lớp màng bọc phô mai vàng tươi bên ngoài rạn ra để lộ lớp sữa chua siêu mịn và bóng mướt ở bên trong cực kỳ hấp dẫn.
Đến khi đưa vào miệng, thật sự là tôi đã phải giật mình vì mùi vị của món sữa chua này tuyệt vời hơn rất nhiều những loại sữa chua đóng hộp khác. Độ chua vừa phải mà béo và thơm đến nỗi thật khó để có thể diễn tả được. Mặc dù còn rất no, nhưng tôi đã không ngần ngại ăn liền một lúc 3 hộp để thỏa cơn thèm của mình.
Ăn xong, chúng tôi được chủ quán vô cùng chu đáo mang ra một ấm trà nóng để chúng tôi bù lại hơi ấm giữa cái thời tiết se lạnh của Đà Lạt.
Bánh tráng nướng
Món ăn nổi tiếng nhất nhì ở Đà Lạt chắc chắn phải là món bánh tráng nướng mà ngay cả xứ ăn vặt của Sài Gòn cũng phải ghen tỵ. Bởi hầu như chẳng có bất cứ một hàng bánh tráng nướng nào ở Sài Gòn mà làm được kiểu thơm ngon, chất lượng và giá cả hợp lý như hàng bánh tráng nằm trên đường Hoàng Diệu - Trần Nhật Duật.
Tại đây có rất nhiều loại bánh như: xúc xích phô mai, hải sản, thập cẩm, pa tê,... với giá trung bình từ 10k - 20k/cái. Đặc biệt bánh ở đây phải gọi là siêu dày, vì mỗi một bánh là có đến một quả trứng gà cùng rất nhiều món phụ khác như phô mai, thịt bò, xúc xích, hải sản,... bỏ thêm vào. Thoạt đầu ngỡ đâu lớp bánh tráng mỏng ở phía dưới không chứa nỗi ngần ấy nhân. Thế mà qua bàn tay khéo kéo của người đứng bếp với 1 chiếc đũa đảo qua đảo lại, cuối cùng chiếc bánh càng ngày càng dày và lớp trứng chín đều và thơm phức, trông chẳng khác nào chiếc pizza.
Ốc bươu nhồi thịt
Là một quán ăn mang phong cách cũ nằm trên đường Hai Bà Trưng, nên vừa bước vào bạn sẽ cảm nhận ngay hơi ấm tỏa ra từ quán, và từ những bếp lò than được đặt xung quanh. Quán này đã bán được gần 30 năm và đã qua nhiều đời. Tuy nhiên cho đến tận ngày hôm nay thì mọi người vẫn luôn tìm đến đây để được thưởng thức món ốc bươu nhồi thịt "danh bất hư truyền" của quán. Ốc bươu sau khi được luộc kỹ sẽ được lấy ra giữ lại phần đầu để nhồi cùng với thịt nạc heo băm nhuyễn, tiêu và vài cành sả để khử mùi tanh.
Món ốc này khi mang phục vụ khách lúc nào cũng được đặt bên trong một cái thố sành cùng chiếc bếp than hồng để giữ món ăn lúc nào cũng nóng hổi. Tuy nhiên theo nhiều nhận xét của mọi người thì món ăn này nổi tiếng là nhờ vào nước chấm với công thức pha chế gia truyền của quán.
Sữa nóng về đêm
Kết thúc một ngày "chiến đấu" vất vả với các món ăn, cuối cùng trước khi quay trở lại khách sạn, tôi và hội bạn đã ghé lại con đường Tăng Bạt Hổ để thưởng thức món sữa đậu nành nổi tiếng tại đây
Trước đây Đà Lạt vốn dĩ rất nổi tiếng về món sữa đậu nành vì thời tiết se lạnh, nên khi uống món này sẽ cảm nhận được hương vị thơm ngon nhất của nó. Nhưng từ khi Đà Lạt trở thành nơi lịch trình đông đúc, nhiều hàng sữa tại đây đã thay sữa đậu nành tự nấu bằng sữa đậu nành bột hoặc pha độn vào làm mất đi mùi vị truyền thống ban đầu. Và một trong những hàng sữa giữ được mùi vị truyền thống đó chính là hàng sữa 64 này.
Nếu có dịp đi Hành trình Đà Lạt, bên cạnh việc thăm thú những địa danh nổi tiếng, du khách hãy thử một lần thỏa hết mình với thú vui ăn uống nơi đây để hiểu thêm về nét văn hóa ẩm thực của miền đất nổi danh này nhé.