Thưởng Thức Đặc Sản Bánh Gai Cao Bằng
Cao Bằng – một tỉnh miền núi ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, nơi có nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Khi Đi Trải Nghiệm Ba Bể- Thác Bản Giốc, nhắc đến đặc sản Cao Bằng, người ta thường nghĩ ngay đến những sản vật núi rừng dân dã như hạt dẻ, đào, mận, măng khô,…, những món ăn bình dị mà độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây như bánh cuốn, bánh khảo, bánh gai,…
Đã trở thành truyền thống, cứ vào dịp rằm tháng bảy, người dân Cao Bằng lại cùng làm bánh gai, bánh rợm. Những chiếc bánh gai màu đen còn bánh rợm màu trắng đã có từ thời xa xưa, gắn liền với truyền thuyết đánh giặc hào hùng. Truyện kể rằng vào thời vua Lý Thái Tông (từ khoảng thế kỷ thứ 10), khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, Nùng Trí Cao – thủ lĩnh của các dân tộc ở khu vực tỉnh Cao Bằng thời bấy giờ đã chỉ huy mọi người đánh giặc. Để có lương thực đánh giặc dài lâu, người dân nơi đây đã làm một loại bánh gói trong lá chuối, đem cho các chiến binh mang ra trận. Đó chính là bánh gai. Những chiếc bánh được xâu thành từng cặp, đeo ở bên người cho tiện. Cũng bởi thế mà bánh gai còn có tên tiếng Tày là pẻng tải (có nghĩa là bánh đeo).
Để làm bánh, người ta phải chuẩn bị các nguyên liệu chính gồm gạo nếp, lá bánh gai, đường phên, đỗ xanh (hoặc lạc rang giã nhỏ) để làm nhân bánh, một số nơi còn cho thêm cả chút dừa bào sợi vào nhân cho thêm ngon. Ngoài ra còn phải chuẩn bị thêm lá chuối đã được phơi ngoài nắng cho mềm để gói bánh
Có khá nhiều công đoạn để làm bánh gai. Trước tiên là đem gạo nếp đi ngâm nước trong khoảng một buổi, rồi đem gạo đó đi xay thành bột. Khi mới xay xong, bột sẽ ở dạng lỏng vì có nhiều nước. Người ta phải cho vào một cái túi vải, đem treo lên khoảng nửa buổi cho chảy nước. Đến khi còn lại dạng bột mềm mềm, có thể nặn mà không bị nhão, dính tay là được.
Bánh gai có màu đen là nhờ lá gai. Người ta phải đi hái lá gai từ mấy ngày trước đó. Lá gai hái về, bỏ gân lá, đem phơi cho thật khô. Sau đó, đem lá gai về đun, ninh cho nhừ, có thể bỏ thêm chút vôi tôi cho nhừ nhanh hơn. Lá gai đung xong rửa sạch, vắt khô rồi thái nhỏ cho thật mịn. Sau đó, lấy đường phên về đun sôi chảy ra rồi trộn với lá gai đã thái mịn, tạo thành một hỗn hợp mật sền sệt. Đem hỗn hợp này cho vào bột gạo ở đã chuẩn bị ở trên, cho vào cối đá giã nhuyễn. Thành phẩm sau khi giã xong sẽ là hỗn hợp bột có màu đen mịn, dẻo quánh, có mùi thơm của cả bột nếp, lá gai và mật đường phên.
Người ta sẽ nặn bánh thành từng miếng hình tròn hơi dài, cho nhân lạc hoặc đỗ xanh vào giữa rồi nắm lại, cho vào lá chuối để gói. Sau đó, đem bánh đi hấp cách thủy. Từ lúc đun bánh, cứ thắp một nén nhang, đến khi nén nhang cháy hết thì cũng là lúc bánh chín.
Khi ăn, phải tước lá chuối gói bánh thành từng sợi nhỏ vì bánh dễ bị dính theo lá. Lớp bánh sau khi bóc xong sẽ có màu đen nhánh, mềm mượt, dẻo thơm, ăn rất ngon mà không hề ngấy. Bánh có thể bảo quản được lâu ngày mà không sợ hỏng. Nếu để lâu, có thể đem bánh hấp lại trước khi ăn hoặc đem rán lên ăn cũng rất ngon.
Nếu có dịp lên thăm Cao Bằng vào rằm tháng bảy, các bạn đừng quên thưởng thức những chiếc bánh gai đặc sản nơi đây, chắc chắn sẽ mang đến cho bạn nhiều dư vị đặc biệt của một món ăn dân dã nơi núi rừng phía bắc của Tổ quốc.