Đồng bào Tày, Nùng ở Bắc Kạn tổ chức Tết Thanh Minh vào mồng 3 tháng 3 âm lịch. Đây là Tết lớn trong năm sau Tết Nguyên đán, ngoài ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, còn là dịp con cháu trong gia đình, dòng họ đoàn tụ sum vầy...
Xôi "đăm đeng" tiếng Tày có nghĩa là xôi đỏ đen là một trong những vật phẩm không thể thiếu để dâng cúng tổ tiên vào dịp Tết Thanh minh
Vào ngày Tết Thanh Minh, ngay từ sáng sớm các gia đình đều làm các vật phẩm để dâng cúng tổ tiên và chuẩn bị các dụng cụ để đi tảo mộ cho người đã khuất. Lễ cúng thường có gà luộc hoặc thịt luộc, xôi, các loại bánh, rượu… Mỗi gia đình, dòng họ đều tiến hành sửa sang phần mộ của những người đã khuất, sau đó thắp hương, đốt vàng mã hoặc đặt thêm bó hoa dâng cho vong hồn người quá vãng.
Bên cạnh những ngôi mộ được trông nom, săn sóc, còn có những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng. Những người có lòng nhân đức không khỏi mủi lòng thường cắm một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Mọi người đi tảo mộ đều ăn vận chỉnh tề. Các ông già bà cả thì lo khấn vái nơi phần mộ. Thanh niên nam nữ cũng nhân dịp này quét dọn, sửa sang, đắp mới cho các ngôi mộ. Cả trẻ em cũng theo cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết về những ngôi mộ của gia tiên, sau là bố mẹ muốn tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ. Những người quanh năm đi làm ăn xa cũng thường trở về vào dịp này để tảo mộ gia tiên và sum họp với đại gia đình. Thường người ta đi tảo mộ từ sáng sớm cho đến gần trưa.
Sau khi đã tảo mộ xong, mọi người trở về nhà. Để ăn Tết, thông thường ngoài chuẩn bị rượu, thịt đồng bào còn làm các loại bánh. Vật phẩm đặc trưng nhất của Tết Thanh Minh là xôi "đăm đeng", đây là món xôi nhiều màu sắc khác nhau được nhuộm bằng lá cây rừng nên màu sắc rất đẹp mắt, ăn ngon và rất an toàn; ngoài ra còn có bánh trứng kiến. Bên cạnh đó, đồng bào còn lấy lá gai, lá ngải về ngâm với bột gạo nếp để làm bánh lá ngải, bánh gai, hay lấy hoa chuối rừng về làm bánh nhân hoa chuối…
Tết Mồng 3 tháng 3 của đồng bào Tày, Nùng Bắc Kạn
1
0
1
2 bài đánh giá