Những ngày cuối ở nước Nga, trên hành trình xuôi dòng Volga từ Moskva đến với St. Petersburg, đoàn du khách Việt Nam đã có cơ hội ghé thăm hòn đảo Kizhi, nơi được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1990.
Đảo Kizhi là một hòn đảo trên hồ Onezh tại Karelia, Nga. Với nhiều nhà thờ, nhà ở và các công trình khác bằng gỗ. Đây là một trong những điểm đến phổ biến nhất của du khách quốc tế mỗi khi đến Nga. Phần lớn các công trình kiến trúc được dựng lên tại chỗ, một số công trình được chuyển từ các nơi khác đến. Theo một trong các truyền thuyết nơi đây, các tòa nhà được làm từ một cây búa (không hề có các công cụ khác), mà sau đó người thợ cả đã ném chiếc búa kì diệu này xuống hồ.
Hiện nay đảo Kizhi là Viện bảo tàng-bảo tồn dân tộc học và kiến trúc, lịch sử quốc gia Liên bang Nga (GIAEMZ). Đảo Kizhi từ năm 1990 đã được đưa vào trong danh sách các di sản thế giới và nằm dưới sự bảo vệ của UNESCO.
Chúng ta hãy tiếp tục theo dòng hồi tưởng về chuyến hành trình khám phá nước Nga Volga Cruise của đoàn du khách Việt Nam được bác Tạ Chính ghi lại.
“Điểm đến Kizhi.
Từ Goritsy đã nghe hướng dẫn viên nói là trên này cho đến St Petersburg là vùng mà một năm tối đa chỉ có 70 ngày nắng, rồi nghe đến Kizhi sẽ thăm 1 nhà thờ nữa. Ôi, lại nhà thờ. Tour Nhà thờ à? Mà sao nhiều nhà thờ đang sửa thế??? Nghĩ vậy, lòng không hứng thú lắm. Cho nên, về tàu ăn trưa rồi nghỉ ngơi mà chẳng nghĩ gì đến điểm đến tiếp theo. 4h chiều lên Bar Katarina nghe giới thiệu về thủ công mỹ nghệ của Nga. Chính cô bán hàng lưu niệm là người trình bày. Cô nói khá hay, có mặt hàng thực tế minh hoạ. Cô ấy hỏi một câu : có biết nguồn gốc của Matriotska từ nước nào không? Không có câu trả lời chính xác. Khi cô nói là từ Nhật Bản, thì mình mới ngã ngửa vì năm kia đi du lịch ở đó, cháu Giang – hướng dẫn viên, đã nói đến điều này rồi.
Trong lúc chờ đợi trải nghiệm làm món ăn Nga vào 5h30, có một khoảng thời gian trống nhỏ, như chưa thoả thích chụp ảnh với áo dài, mấy chị em lại nháy nhau làm tiếp. Chụp ở hành lang chật hẹp, mấy ông có máy lớn nòng dài choán hết lối đi, mình máy bé, nòng ngắn, đành còn khe nào trống thì chọc qua, chớp vội vậy. Đến khi lên học làm món ăn Nga thì chỉ được ít người, chủ yếu làm món hoành thánh. Tôi lại lên trước mũi tàu dùng wifi. Một hiện tượng lạ, đẹp xuất hiện phía trước. Mặt trời đã xuống khỏi đường chân trời phía bên phải mũi tàu mà sao có một quầng đỏ chếch phía trái. Trời càng tối đi thì quầng đỏ càng rực rỡ và diễn ra chừng 5 phút chứ không ít. Trời gió lạnh nên không nhiều người ra ngoài để chụp.
Vì là ngày văn hoá Nga nên các món ăn tối đó cũng là các món Nga truyền thống, nhưng để được vào nhà ăn, mỗi người phải nói một câu hoặc chí ít cũng phải một từ Nga thì mới vào nhà hàng được. Được châm chước nếu có trang phục Nga. Chị em có khăn Nga để quàng, mình chẳng có gì của Nga cả. May quá, có cái áo sơ mi của mình có cả 3 màu cờ của Nga : trắng, xanh, đỏ. Mình chỉ vào cổ áo, cả 2 gác cửa là cô Hương và cô Tania đều cười, cho qua.
Buổi tối trên Bar Chagal có chơi các trò chơi dân gian Nga rồi mọi người lại dancing. Mình không lên mà nằm xem qua TV ở phòng mình. Đoàn Việt Nam rất tích cực tham gia.
Sáng sớm tôi lại dậy và lên tập trên boong. Hai nhân viên tàu cũng lên xếp lại ghế, giường tắm nắng. Nhiều mây nên không rõ bình minh. Tôi thấy tàu vào âu số 2 (tức là còn 1 âu nữa thì ra Hồ Onhjega) và thấy như có một cái cầu, nằm dọc âu. Khi tàu vào gọn trong âu, cửa âu đóng dần lại thì đúng là cái cầu bắt đầu quay, âu đóng xong thì cầu cũng quay xong và ô-tô chạy qua. Với gần 40km có 6 âu tàu liên tiếp và hạ độ cao xuống đến mặt hồ cũng hơn 100m nên chắc mỗi cái âu lại phải có một cây cầu để qua sông. Khi ra đến Hồ Onhjega, sóng bắt đầu mạnh lên do gió khá mạnh. Đã có người thấy chóng mặt. Đi trong hồ nước mênh mông với hàng ngàn đảo nhỏ xa xa, chả có gì để chụp ảnh. Tàu bố trí cho các đoàn học hát. Có 6,7 đoàn mà chỉ có 4 chỗ có thể tập được nên cũng có lúc phải “tranh giành”.
Mãi đến 5h chiều, chậm hơn nửa tiếng và sau 27 tiếng, đoàn mới tới Kizhi vì gió ngược quá mạnh. Trời đẹp và nắng. Thế là đã cảm thấy hên rồi, phía sau còn nhiều nhất 70-1 ngày nắng nữa. Nhìn từ xa đã thấy bóng dáng một nhà thờ hơi lạ. Ý nghĩ về nhàm chán xem nhà thờ đã biến mất. Thế là chỉ có 2 giờ để thăm đảo này vì chỉ đi bộ. Dù đảo chỉ rộng vài ki-lô-mét vuông, nhưng khá nhiều chỗ cần xem. Càng đến gần càng đẹp vì nó toàn bằng gỗ và điều đặc biệt là nó được dựng không dùng đến đinh. Có người nói là để ghép các miếng gỗ như là vảy cá thành củ hành ở trên nóc thì vẫn phải dùng đinh, nhưng anh thợ rất khéo tay với một cây rìu sắc đã đẽo gỗ thông thành các miếng vảy cá đó và ghép thành củ hành cũng không cần đinh sắt, chỉ chốt bằng gỗ???. Rồi, chưa cách giải thích nào làm tôi có thể thoả mãn về cái tên gọi nhà thờ này là Nhà thờ Biến Hình. Tôi thì chỉ thấy, phải chăng, chính vì làm bằng gỗ, trải qua thời gian nó có màu bàng bạc và sẽ hấp thụ ánh sáng khác nhau, lúc màu xẫm, lúc màu tàn thuốc, có lúc gần sáng trắng và cái sáng tối đó cũng chuyển vị trí khác nhau phụ thuộc vào hướng tia sáng??? Củ hành vàng hay xanh thì không thể có sự khác biệt này rõ ràng.
Trên Đảo Kizhi còn có nhà gỗ cổ, quạt xay gió, còn sản xuất hàng thủ công, còn được nghe nhạc chuông cũng rất du dương.
Trời cũng chưa tối nhưng các mục thăm cũng hết vì cũng chỉ đi thăm một hướng của đảo nên mọi người về tàu khá sớm. Nghỉ ngơi một lát thì đi ăn chiều và tàu cũng rời Kizhi quay ngược lại để hướng về Sông Svir, trên đó có Làng Mandrogy nổi tiếng với Bảo tàng vodka Nga.”
Nguồn: https://dulichnga.info/review-hanh-trinh-kham-pha-nuoc-nga-tour-volga-cruise-p4-kizhi-pn.html