Đã từ lâu, Nhà thờ đá Phát Diệm không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh chung của bà con giáo dân trong vùng Kim Sơn, mà còn là công trình kiến trúc đặc sắc thu hút du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng. Bởi đây không chỉ là một công trình kết hợp hài hoà, đặc sắc giữa nghệ thuật kiến trúc phương Đông và phương Tây mà còn là một kỳ tích của thế hệ cha ông để lại cho đời sau.
Nhà thờ đá Phát Diệm được Chánh xứ Phát Diệm Phêrô Trần Lục (tức Cụ Sáu) - người được bổ nhiệm làm Chánh xứ Phát diệm vào năm 1865 cho xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 19 sau nhiều năm nghiên cứu, hoàn chỉnh phác thảo họa đồ và tập trung tài lực, vật lực.
Nhà thờ được làm bằng chất liệu chủ yếu là đá và gỗ. Trên từng phiến đá, phiến gỗ như nở hoa khoe sắc với các đường nét khắc trạm tinh xảo. Đáng chú ý nhất là nghệ thuật điêu khắc đá vô cùng mềm mại, uyển chuyển, có những mảnh đá chỉ dày 3,5cm. Cả khu kiến trúc gồm có 9 vỉ kèo với 9 giai thợ khác nhau, do vậy mỗi vỉ kèo mang một nét văn hoá riêng biệt, thể hiện khiếu thẩm mỹ phong phú của những người thợ thủ công lành nghề.
Hơn nữa, nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá mà không cần đến lõi bê tông cốt thép. Phần khó nhất của công trình này là việc xử lý nền móng. Do Kim Sơn vốn là vùng đất bãi bồi lầy lội nên Chánh xứ Phê rô Trần Lục phải cho khai thác và vận chuyển hàng ngàn tấn đá từ một quả núi ở Thanh Hóa đưa về chống lún, trong đó có những khối đá nặng đến 20 tấn. Đồng thời, cụ Lục cũng cho khai thác và vận chuyển hàng mấy trăm cây gỗ lim từ rừng núi Nghệ An về xây dựng công trình.
Tuy nhiên, điều làm cho các nhà nghiên cứu văn hóa, kiến trúc sư say mê ở quần thể Nhà thờ Phát Diệm, là kiểu kiến trúc đình chùa phương Đông kết hợp hài hòa với lối kiến trúc Gôtic của phương Tây. Cụ Sáu là người đã thiết kế, sáng tạo ra nhà thờ với những chi tiết vô cùng mới lạ. Cũng có thể do cụ không phải là người theo đạo Thiên chúa mà theo đạo Phật nên trong bản thiết kế của mình, cụ đã có sự kết hợp rất tài tình giữa kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc mái uốn cong như mái đình trong đạo phật.
Tinh hoa nghệ thuật ở nhà thờ đá Phát Diệm còn thể hiện rõ sự hài hòa giữa nghệ thuật chạm khắc đá và nghệ thuật chạm khắc gỗ của Việt Nam như biểu tượng thánh giá (biểu trưng đạo Công giáo) ngự trên đài sen (biểu trưng Phật giáo), những chữ “vạn” của nhà Phật khắc trên mấy đóa hoa mân côi, các phù điêu đá, gỗ chạm khắc hình ảnh Chúa Jesus và các vị thánh; trong đó các vị thánh trang phục theo kiểu Việt nhìn thật sống động mà gần gũi, quen thuộc như xem tranh dân gian; cột đá chạm hình hoa sen biểu hiện các giai đoạn “sinh - lão - bệnh - tử” theo triết lý nhà Phật.
Ấn tượng hơn nữa là Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, cung thánh sơn son thếp vàng chói lọi với nhiều hoa văn, họa tiết chạm trổ tinh tế, công phu nhưng vẫn tạo cảm giác thật dịu dàng, yên bình bởi thiết kế bình dị và quen mắt theo nguyên lý Dịch học của phương Đông “trời tròn, đất vuông”. Nơi đây còn có một câu Kinh thánh được chạm khắc lên đá bằng Việt ngữ thời sơ khai.
Có thể nói, Quần thể Nhà thờ đá Phát Diệm là sự giao thoa, sự kết hợp hài hoà, tinh tế của lối kiến trúc nhà thờ phương Tây và kiến trúc truyền thống phương Đông. Công giáo mang đức tin đến cho con người nhưng phong cách kiến trúc, không gian thờ tự mang đậm hình ảnh mái đình, ngôi chùa vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, tạo nên sự bình an, che chở, đây cũng là biểu tượng của sự gặp gỡ giữa công giáo và truyền thống tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam từ rất sớm.
Giờ đây, Nhà thờ Phát Diệm đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Ninh Bình.
Ninh Bình: Kiến trúc độc đáo ở nhà thờ đá Phát Diệm
1
0
1
2 bài đánh giá