Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc. Những chiếc lá xinh xinh với rất nhiều màu sắc thu hút các cô cậu thiếu niên là học sinh khối lớp 8 Trường THCS Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh) có một buổi xuyên rừng mà sự hứng khởi hiện rõ trên khuôn mặt từng em và những câu trả lời chắc nịch “Con đi cả tháng cũng được”, “Đi dã ngoại như vậy quá vui”…!
Tuyến hành trình đa dạng sinh học Hòn Giao - Giang Ly của Trung tâm trải nghiệm sinh thái và giáo dục môi trường (thuộc Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà), nhiều năm nay, thu hút một lượng rất lớn các em học sinh. Vào rừng và được nghe các cô chú ở Trung tâm hướng dẫn, giảng giải, “truyền bí kíp” xuyên rừng, nhận diện thời gian - không gian, xử lý tình huống và rèn luyện tinh thần tập thể… “Con có thể đi đến chừng nào hết rừng ở đây” - em Trần Anh Dũng khẳng định.
Là rừng nguyên sinh, nên từ lớp thảm mục của lá cây có thể dày lên tới 3-4 mét, khiến bước chân đi cũng gây tò mò vì có độ nhún êm ái, phải ngửa cổ để nhìn lên những tán cây cao lút tầm mắt, vào mùa này đều nhìn thấy sự biến đổi của lá, từng ngày. Những búp chồi bé xíu vừa nhú ra khỏi thân cây đang vươn thẳng. Những chiếc lá non màu xanh ngọc ở cây này, rồi lá màu vàng chanh ở cây kia, lại có lá màu tím hồng ở cây khác…Có bao nhiêu loại lá đang ngập ngừng đón nắng xuyên qua những tầng cây… tạo nên những màu sắc “không thể tả nổi”!
Rừng Bidoup là kiểu rừng nguyên sinh đặc trưng cho khí hậu Á nhiệt đới, có hệ thực vật phong phú, với hàng ngàn loài, của nhiều ngành, tầng thực vật. Đặc biệt, rêu và phong lan - gây nên sự thích thú bất ngờ, bởi chúng là thực vật biểu sinh, phát triển trên một thân cây khác, nhưng không phải là thực vật ký sinh. Trong đó, rêu bám nhờ vào thân cây để phát triển, còn phong lan lại sinh trưởng trên lớp rêu ấy… Mà ở rừng Bidoup này, kiểu phụ rừng rêu là điển hình, nên cũng có rất nhiều loài phong lan.
Có những loài quý hiếm như thông hai lá dẹt, sồi Braian, dẻ kha thụ nhím… Chim rừng tung tẩy lảnh lót khắp nơi và những con suối bất chợt xuất hiện với những cây cầu khỉ vắt vẻo... Và khu rừng thêm sôi động hơn với những bước chân háo hức trải nghiệm của các cô cậu học sinh.
Đoạn đường đi xuyên rừng có chiều dài khoảng 1,8 km, địa hình bằng phẳng, nếu may mắn có thể quan sát được nhiều loài chim quý. Trong đó, có nhiều loài chim đặc hữu ở Cao nguyên Lang Biang, như: Mi Langbian, Khướu đầu đen má xám, Sẻ thông họng vàng... Thầy Thiện - giáo viên Trường THCS Hồng Bàng cho biết: Các em tham gia dã ngoại hoàn toàn tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh. Tuy nhiên, khi trở về đều phải có bài viết thu hoạch và được thay cho một môn học.
Tại Trung tâm sinh thái và giáo dục môi trường, các em được giải đáp thắc mắc, tìm hiểu nhiều hơn về tính đa dạng sinh học, về vai trò của rừng và ý nghĩa của việc giữ gìn bảo vệ rừng. Các em còn thêm phần phấn khích hơn nữa khi được hòa vào các vũ điệu cồng chiêng của người dân tộc thiểu số bản địa xã Đa Nhim.
Khám phá rừng Bidoup
1
0
1
2 bài đánh giá