Nếu đến Đồng Văn vào thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 thì nhất định đừng bỏ qua dốc chín khoanh, Phố Cáo. Đây là một điểm lý tưởng để ngắm hoa Tam giác mạch. Trên khắp các sườn đồi, các nẻo đường, hàng vạn bông hoa tam giác mạch nhỏ li ti đang đua nhau bung nở hiện lên ngút tầm mắt. Màu xanh của cây lá, của núi rừng, hòa quyện với sắc tím phớt nhẹ của hoa tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Chỉ riêng vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng đầy sắc tím hồng của hoa Tam giác mạch thôi cũng đủ say lòng du khách thập phương rồi.
Không chỉ mê hoặc du khách bằng những thảm hoa Tam giác mạch, Hà Giang những ngày đông se lạnh còn thu hút du khách bằng vẻ đẹp của những bông hoa đào nở sớm. Mùa hoa đào nở ở Hà Giang khiến không ít người ngỡ ngàng và thổn thức trước vẻ đẹp của chúng. Những bông hoa đào nở bung khoe sắc trên vùng rẻo cao này khiến cho con người ta muốn đến tận nơi đây để nhìn ngắm thỏa thích, để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy.
Hà Giang mùa nào cũng đẹp say đắm, mỗi mùa một vẻ đẹp khác nhau. Chắc hẳn ai đã từng đến với Hà Giang đều chung cảm giác đó là vẫn muốn đến nơi này thêm lần nữa, để được thả hồn vào những mùa hoa mơ, hoa mận nở trắng trời hay mùa lúa chín khoe sắc vàng óng ả, mùa tam giác mạch bung nở trắng hồng cả cao nguyên. Để thêm một lần nữa được đứng trên những con đèo và ngắm nhìn núi non quê hương hùng vĩ.
Bên cạnh nét thơ mộng, quyến rũ của những mùa hoa, Hà Giang còn được biết đến với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, bình dị… vẻ đẹp ấy khiến những ai đã đặt chân đến Hà Giang đều không thể quên được.
Điểm đến lý tưởng
Người dân Hà Giang nói rằng, đến Đồng Văn nếu chưa đặt chân lên đỉnh Lũng Cú thì coi như chưa tới Đồng Văn. Cột cờ Lũng Cú điểm cực Bắc thiêng liêng của Tổ Quốc, lá cờ mang diện tích 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Được tận mắt ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng nơi địa đầu Tổ Quốc kiêu hãnh bay trong gió là niềm mong ước, tự hào và xúc động của bất kì ai.
Vẻ đẹp kỳ vĩ của Hà Giang nhìn từ cột cờ Lũng Cú
Đứng trên đỉnh cột cờ, sẽ thấy toàn bộ làng văn hóa Lô Lô, phóng xa tầm mắt sẽ thấy những con đường nhỏ xíu, uốn lượn quanh những cánh đồng lúa, những ngôi nhà lọt thỏm giữa màu xanh của cây cối. Từ đỉnh Lũng Cú, qua những khúc cua tay áo, vắt vẻo trên những sườn núi là tới khu di tích dinh nhà Vương. Đây là khu di tích được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc cổ Trung Hoa với những đường nét chạm trổ tinh xảo.
Mã Pì Lèng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất đèo” của Việt Nam, không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn được xem là tượng đài của lòng quả cảm, ý chí vượt khó của con người vùng đất cao nguyên đá này. Đèo Mã Pì Lèng, dịch ra là “sống mũi ngựa”, dịch ý là con đèo hiểm trở đến nỗi ngựa đi qua cũng phải bạt vía, lạc hơi. Đứng trên đỉnh cao nhất Mã Pì Lèng, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp bởi những khối đá khổng lồ, ngút ngàn, xa xa dưới độ sâu hun hút gần ngàn thước là dòng sông Nho Quế bốn mùa xanh trong uốn lượn, mỏng mảnh như dải lụa ẩn hiện. Tất cả sự kỳ vĩ của thiên nhiên đều được thu vào trong tầm mắt.
Một thoáng phiên chợ vùng cao
Bất cứ ai khi đã từng đặt chân lên mảnh đất Hà Giang chắc hẳn đều không thể nào quên được hình ảnh những buổi chợ phiên đầy màu sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Chợ phiên trên cao nguyên đá Hà Giang đã trở thành một nét sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng rẻo cao này.
Ngoài mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên còn là nơi giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc. Ai đã một lần ghé thăm chợ phiên ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì, Xín Mần… của Hà Giang hẳn không thể nào quên những nét đặc sắc của các phiên chợ nơi đây.