Ai đến
hành trình Hà Giang mà chưa một lần lên
cao nguyên đá Đồng Văn, đặt chân lên đến
cột cờ Lũng Cú - nơi địa đầu Tổ quốc chắc hẳn chưa thể hiểu được cảm giác vỡ òa thiêng liêng trong lồng ngực.
Chúng tôi đến với Hà Giang những ngày cuối tháng 10, những ngày thu đẹp tuyệt vời cho mọi chuyến đi....Vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, chúng tôi đã đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) - điểm cực bắc của Tổ quốc. Tất cả như vỡ òa một cảm giác thiêng liêng khó tả.
Cột cờ Tổ quốc nằm trên đỉnh núi Rồng xã Lũng Cú, cao khoảng 1.700 m so với mực nước biển nên từ xa, dù là ngày sương mù vẫn có thể nhìn thấy màu cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Phóng xe một mạch lên điểm dừng ngang núi, rồi phải leo bộ hàng trăm bậc nữa mới đến được chân cột cờ nhưng ai nấy đều hứng khởi như chưa từng vượt qua gần 30 km đường rừng.
Vừa đặt bước chân đầu tiên lên bậc đá, tiếng nhạc hào hùng của giai điệu Tổ quốc vang lên từ loa đặt ngầm trong hốc đá như cổ vũ. Chỉ cách điểm bắt đầu gần 400 bậc đá nhưng nhìn xuống là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ khác thường. Nằm xen kẽ những ngọn núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang là các bản làng Lô Lô Chải, Séo Lủng, Tả Giá Khâu, Cẳn Tằng... hoang sơ, mộc mạc. Yêu lắm, thương lắm nhưng cũng đầy xúc động và tự hào khi ôm trọn một phần đất linh thiêng của Tổ quốc trong tầm mắt.
Nhưng đó chưa phải là nơi cao nhất, bởi trong lòng cột cờ còn có một cầu thang xoắn ốc 140 bậc. Lần theo lối đi nhỏ hẹp hắt ánh sáng qua ô cửa nhỏ, người đi như bị hút lên cao theo cơn gió lộng từ trên đỉnh đầu. Vòm sáng mở rộng mang theo ánh nhìn mới về khung cảnh dưới chân núi. Tất cả như bị thu nhỏ và mờ dần sau màn sương giăng tứ phía nhưng rõ mồn một bên tai tiếng lá cờ hòa ca cùng gió. Mặc cho cái giá rét căm căm bên ngoài, dòng máu nóng rạo rực trong tim trào dâng mãnh liệt, mọi cảm xúc lúc này như được thăng hoa.
Bên cạnh đó, Lũng Cú còn bảo lưu được những hiện vật lịch sử, văn hóa quý giá tiêu biểu từ thời Hùng Vương. Theo sử sách ghi lại, vào thời Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung đã cho đặt ở nơi biên ải này một chiếc trống lớn, thời đó tiếng trống là phương tiện thông tin nhanh nhất, vị trí đặt trống của nhà vua là trạm biên phòng tiền tiêu Lũng Cú bây giờ. Chính vì vậy, người Lô Lô ở Lũng Cú bây giờ sử dụng thành thạo trống đồng có nguồn gốc từ trống đồng Ðông Sơn.
Ngắm cho đã mắt, vừa tai và lưu lại mọi khoảnh khắc như ý muốn để rồi khi rời cột cờ vẫn còn mãi cảm giác vấn vương. Chẳng biết sắp tới sẽ đặt chân đến đâu và bao giờ mới có dịp quay trở lại, nhưng hình ảnh về cột cờ sững sững giữa vùng đất địa đầu vẫn sẽ là những ký ức đẹp nhất về Hà Giang, về đất và người Tây Bắc cũng như dải đất hình chữ S yêu thương
Chinh Phục Cột Cờ Lũng Cú Những Ngày Cuối Tháng 10
2
0
2
4 bài đánh giá