Mấy người bạn đến từ lục địa “già” mang quốc tịch Đức dừng chân trên đèo Thẩm Mã (Đồng Văn) nói với tôi: Cao nguyên Đồng Văn “già” hơn châu Âu của họ rất nhiều lần. Còn những người bạn đến Cao nguyên từ nhiều châu lục trên thế giới đều gật đầu thán phục: Cao nguyên mang trong đó một sức hấp dẫn mãnh liệt với... “Đá”!

 

 

Cao nguyên Đồng Văn có gì...

 

Du khách thưởng thức thắng cố trong chợ Đồng Văn

 

 

Đầu tháng 4, trong bạt ngàn đá chúng ta dễ dàng nhận thấy những cánh lá xanh mướt của ngô non, đậu leo trú ngụ trên nền đá xám, cứ mỗi hốc đá là một khóm ngô kèm theo vài gốc đậu leo đua nhau cùng vươn lên. Thật lạ, trong cái hốc đá sám xịt ấy chỉ có thêm chút đất đỏ quạch tưởng chừng khô khốc thế mà cả ngô và đậu leo cứ kề vai nhau chung sống xanh tốt đến lạ thường. Trong bạt ngàn đá, những người dân vẫn miệt mài chọn những kẽ đá rồi bỏ vào đó nắm đất cùng với hạt ngô giống, đậu giống. Và rồi đá cứ ôm ấp lấy hạt ngô, hạt đậu, hứng thêm chút sương sa để hạt ngô, đậu nảy mầm. Cả ngô và đá lẫn đậu cứ nương tựa vào nhau sống trên đá, vượt theo đá mà lên.
 
Câu chuyện trồng ngô trên đá tưởng như cổ tích ấy là điều có thật cả “Trăm phần trăm” trên cao nguyên Đồng Văn. Mấy người bạn Đức hỏi tôi rằng: Người Cao nguyên sống trên đá, dựa vào đá được bao lâu rồi!?. Hơn nữa, cứ trông cách mà người dân cao nguyên xếp đá, trồng ngô đã biết kỹ năng sống chung với đá của họ đã vượt qua cả trí tưởng tượng rồi. Câu trả lời này chỉ có người Cao nguyên biết, “đá biết” mà thôi. Hãy một lần đến Cao nguyên Đồng Văn để thấy người và đá chung sống với nhau không còn là huyễn hoặc nữa. Bởi vì, bạn có đi đâu đó trên khắp cao nguyên này đều có những bờ rào xếp bằng đá chồng lên đá ôm ấp lấy những mái nhà nhỏ chứa đầy tiếng cười con trẻ. Tất cả, tưởng như cả người và đá đều được nhuốm đầy sương gió của Miền đá cứ trải dài tưởng như vô tận trên khắp cao nguyên...
 
Nếu Cao nguyên Đồng Văn được ví như một “thế giới đầy bí ẩn của đá” thì chợ phiên Đồng Văn lại là một kỳ quan của sặc sỡ sắc màu thổ cẩm. Cứ đến hẹn, lại lên. Sáng chủ nhật hàng tuần, người cao nguyên lại đổ về chợ phiên bên lề Phố Cổ ở thị trấn Đồng Văn. Nổi bật nhất trong các phiên chợ là sắc màu thổ cẩm. Những bộ áo, váy rực rỡ kia chính là sản phẩm của đá và bàn tay cần cù, sức lao động sáng tạo của người cao nguyên. Những cây Lanh trồng xen trên đá, hút lấy nhựa đá, hít lấy khí trời cao nguyên để sống. Từ cây Lanh thô ráp, qua bàn tay cần mẫn đêm ngày của các mẹ, các em gái se dệt, nhuộm hấp, thêu thùa thành thổ cẩm. Người ta bảo, làm được tấm váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu có khi mất tới nửa năm. Còn độ bền của những chiếc áo, váy thổ cẩm có khi theo người con gái đến hết cả cuộc đời vẫn đậm màu, tươi sắc. Chợ Đồng Văn có rất nhiều sản phẩm làm bằng thổ cẩm, tất cả đều tỉ mỉ, chau chuốt đến từng mũi khâu, nếp gấp. Quan sát những người bạn Tây đến chợ Đồng Văn ai nấy đều chọn mua cho mình một vài sản phẩm làm từ thổ cẩm. Họ cho rằng: Đá thì “già”, mà thổ cẩm thì luôn làm cho mỗi người đặt chân đến cao nguyên cảm thấy mình luôn trẻ trung, tươi mát đến nhường nào.
 
Hấp dẫn du khách trong chợ phiên Đồng Văn vẫn là những chảo thắng cố nóng hôi hổi và thơm nức. Thắng cố có gì hấp dẫn!? Thắng cố truyền thống được đồng bào nấu cả con bò, hoặc dê (đã làm sạch) trong một chiếc chảo lớn. Trong chảo thắng cố có vị cay của ớt chỉ thiên, có hương thơm của Thảo quả, vị nồng của rượu ngô men lá rừng... Đến chợ phiên Đồng Văn, ăn thắng cố thịt bò với mèn mén thì còn gì thú vị hơn. Người ta kết luận, thắng cố, mèn mén là hương vị được “kết lại” từ bàn tay, khói óc tụ lại hàng ngàn năm của những con người sống trên đá. Bởi thế mà nó luôn làm say đắm lòng người, say lòng du khách muôn nơi.
 
Lại nói về mèn mén. Thực chất nó là bột ngô được xay bỏ vỏ, lấy thịt. Và được xôi đi, xôi lại tới 3 lần lửa. Mèn mén khi ăn phải chan với nước thắng cố hoặc nước canh rau cải. Ngon nhất vẫn là ăn mèn mén với thắng cố thịt bò, thịt dê đang nóng vừa thổi, vừa ăn. Cái vị ngọt của thắng cố, vị bùi của ngô xôi, vị hương nồng nàn của thảo dược cao nguyên sẽ mang lại một cảm nhận rất riêng cho mỗi du khách khi đến Đồng Văn. Nhiều người nhận xét, đến cao nguyên Đồng Văn chưa ăn thắng cố, mèn mén là chưa đến, cũng như chưa thể ra về ?! Có rất nhiều người đã đến cao nguyên Đồng Văn học cách chế biến thắng cố, mèm mén của người cao nguyên. Thế nhưng, về làm theo cách của người cao nguyên vẫn “không thấy” cao nguyên ở lại. Bởi vì, chỉ có người cao nguyên mới thực sự nấu ra những chảo thắng cố, xôi, những chõ mèn mén theo đúng nghĩa ẩm thực vùng cao. Vì đó là bản sắc dân tộc. Và đó chính là sự hội nhập mà chẳng bao giờ có thể “hoà tan” của bản sắc văn hoá vùng cao. Bản sắc đó, là vị đậm, hương nồng được chắt lọc và kết tinh từ ngàn năm trên vùng đá xám khô khát, nhưng lắng đọng. Đúng thế.
 
Xin nói thêm rằng: Cao nguyên Đá Đồng Văn có diện tích trên 2.356 km2. Công viên Địa chất toàn cầu có đá chiếm trên 80% diện tích, được hình thành, được tạo bởi từ 13 tầng địa chất. Và trải qua quá trình vận động kiến tạo từ đại cổ sinh đến đại tân sinh khoảng 540 triệu năm.
 
Hãy đến Cao nguyên Đồng Văn để ngắm đá và chiêm nghiệm cuộc sống của người dân trên vùng đá, để thấy mảnh đất địa đầu Tổ quốc hùng vĩ, đáng tin yêu.

Cao nguyên Đồng Văn có gì... "ngoài đá" ?

Cao nguyên Đồng Văn có gì... "ngoài đá" ?
1 0 1 2 bài đánh giá
CÔNG TY CỔ PHẦN VIETSENSE
  • ĐC1: Số 88 Xã Đàn – Quận Đống Đa – Hà Nội
    1. ĐC1: Số 88 Xã Đàn – Quận Đống Đa – Hà Nội
    2. Điện Thoại: (024)3972 8289 Fax: (024)39728298
    3. Fax: (024) 39728298
    4. Website: www.todata.vn
Du Lịch Vietsense - Uy Tín Tạo Thành Công
DMCA.com Protection Status
Giấy phép lữ hành Quốc Tế số: 01-687/2014/TCDL-GP LHQT
Rss Đã đăng ký bộ công thương