Mỗi năm một lần, vào ngày trăng lên lần thứ 9 (thường vào tháng 3 hay tháng 4), người dân Bali lại kỷ niệm Lễ Nyepi, một trong những sự kiện tôn giáo quan trọng nhất đối với 98% dân Hindu trên hòn đảo này.
Nyepi, theo tiếng Hindu, là Năm mới, còn được gọi là Ngày Yên lặng (Day of Silence) được tính theo lịch Saka (hay Sasih 12 tháng, du nhập trực tiếp từ ấn Độ, năm đầu tiên ứng vào năm 78 sau công nguyên). Năm 2009, người Bali đã ăn mừng năm mới Nyepi thứ 1930 vào ngày 26.3.
Vào ngày này, suốt 24 giờ, hàng triệu cư dân trên đảo Bali không được đốt lửa hoặc phải giữ ánh sáng thật yếu, và đặc biệt giữ sự im lặng tuyệt đối. Phố xá vắng lặng. Tất cả các bãi biển, sân bay để đón du khách Bali cũng như khách nội địa đều đóng cửa. Người Bali hủy bỏ mọi hoạt động: không làm việc, không giải trí, không họp chợ, không tạo âm thanh, không ra đường, thậm chí cả những cửa hàng nhỏ nhất bên bờ biển, cũng đóng cửa. Khi hoàng hôn buông xuống, cả hòn đảo Bali vốn náo nhiệt đầy màu sắc chìm trong bóng tối lạ thường. Hầu hết mọi người ở trong nhà. Cả đêm, đèn đường không sáng. Dân địa phương sẽ tắt đèn, tuyệt đối không ăn uống, không nói chuyện, chỉ ngồi tập trung trầm tư và suy ngẫm tự tẩy rửa tâm hồn hướng về thần thánh để rèn luyện đạo đức và lối sống thánh thiện và cầu nguyện cho một năm mới, một tương lai tươi sáng theo tín ngưỡng của họ.
Mặc dù Nyepi là ngày lễ của những người theo đạo Hindu, nhưng phần còn lại của Indonesia, đất nước có phần lớn người Hồi giáo sinh sống, vẫn xem Nyepi là ngày nghỉ lễ chung và rất tôn trọng ngày này. Ngoài đường sẽ chỉ có các nhóm dân phòng bảo vệ an ninh đường phố được gọi là Pecalang đi tuần để đảm bảo mọi người phải tuân thủ nội quy. Pecalang đội một loại mũ truyền thống của người Bali gọi là Udeng hay Destar. Nhiệm vụ chính của các Pecalang không chỉ là giữ an ninh đường phố mà còn ngăn chặn các hành động ảnh hưởng tới Nyepi. Ngay cả khách thăm quan cũng không phải là ngoại lệ. Không ai được phép ra bãi biển hay đi lại trên đường phố. Họ được báo trước không ra khỏi khách sạn, chỉ được phép xem TV, nhưng bật với âm thanh cực nhỏ. Ngoại lệ duy nhất là các xe cứu thương chở những người đang bị đe dọa đến tính mạng hoặc những phụ nữ sắp khai hoa nở nhụy. Đặc biệt, năm 2005, khi ngày này rơi vào ngày thứ Sáu, ngày cầu nguyện của người Hồi giáo, tất cả các loa phóng thanh đều tắt. Những người theo đạo Hồi ở Bali đã đến nhà thờ của họ trong yên lặng mà không nghe tiếng loa phóng thanh bình thường vẫn gọi họ đi cầu nguyện như mọi lần.
Buổi tối trước Ngày Yên lặng ở Bali, cuộc sống về đêm cực kỳ ồn ã, náo nhiệt, những khẩu súng thần công được các gia đình tự làm bằng tre, được bắn để xua đuổi những hồn ma khỏi hòn đảo này. Lễ này được gọi là Lễ Tawur Kesanga. Tại các địa điểm công cộng như sân đền, trục giao lộ..., người ta cho dựng rất nhiều hình nộm khổng lồ được làm bằng giấy bồi với đủ các kích cỡ và màu sắc mà người Bali gọi là ogoh-ogoh, hiện thân của ma quỷ. Sau nghi lễ trừ tà, người ta đưa ogoh-ogoh diễu hành khắp phố cùng tiếng khua chiêng, trống để tạo ra âm thanh thật to trước khi đem hoả thiêu. Theo người Bali, nghi lễ này nhằm xua đuổi linh hồn quỉ vương Bhuta Kala ra khỏi làng.
Ba ngày trước Nyepi, người dân Bali còn có Lễ Melasti (hay Mekiyis, Melis), đem lau rửa các bức tượng trong đền, ngụ ý giữ tâm hồn mình trong sạch để tiếp cận thần linh. Từng ngôi làng tổ chức lễ đón thần nước, hiện thân của nguồn sống vô tận từ ngoài biển vào hay từ các ao, hồ, sông, suối lên. Các nghi lễ này theo tín ngưỡng Hindu, họ sẽ gột rửa được những tội lỗi và những điều vấy bẩn trong năm qua.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động náo nhiệt này đều kết thúc trước 12 giờ đêm, thời khắc bắt đầu của Ngày Yên lặng, ngày đầu tiên trong năm mới. Một ngày sau Nyepi, nổi tiếng là Ngembak Geni, hoạt động xã hội lại náo nhiệt tấp nập, khi các gia đình và bạn bè tập trung lại đi chúc tụng, thăm viếng lẫn nhau nhằm củng cố và duy trì các mối quan hệ xã hội vốn đã gắn bó suốt cuộc đời họ.