Khi nói tới Nam Ô thì chúng ta sẽ nghỉ ngay tới đây là một làng chài nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nơi từng nổi tiếng với nghề làm nước mắm đã có truyền thống lâu đời và còn được biết đến với món gỏi cá đã thành thương hiệu ẩm lưu truyền từ bao đời nay.
Gỏi cá là một món ăn mà bất kì du khách nào khi Đi Trải Nghiệm Đà Nẵng đều không thể không thưởng thức món ăn này, hơn thế nửa món ăn này còn được người dân Nam Ô dùng trong tiệc tùng và bất kì người dân Nam Ô nào cũng biết cách làm và làm rất ngon như có bí quyết gia truyền, món ăn dân dã này trở thành đặc sản được người Nam Ô bày tiệc đãi khách phương xa, hoặc gặp mặt hội hè...
Gỏi cá Nam Ô được làm từ những loại cá nhỏ như cá ve, cá trích hay cá cơm... Chọn cá thật tươi qua công đoạn làm sạch vảy, cắt bỏ đầu, lườn, đuôi, ướp gia vị ớt, tỏi, gừng, chanh, giấm... Cá được vắt khô trộn với thính bắp thơm lừng...
Mâm gỏi cá được người Nam Ô bài trí, thoạt nhìn đã mãn nhãn lắm rồi. Trên mâm xây đầy đọt rau rừng tươi rói nhiều màu sắc, màu đỏ vàng của bông trang chen lẫn màu tím của đọt lá tiêm lang rừng, lá xoài non nõn, lá móc trộn lẫn lá đinh lăng. Kế bên là đĩa khế thái ngang thái dọc hình ngôi sao 4 cánh, chuối chát thái dài màu trắng, đĩa ớt tỏi khép nép dưới xấp bánh tráng lụa chuyên dùng cho cuốn gỏi. Mùi thơm từ một tô đầy nước chấm đã kích thích vị giác. Mâm gỏi cá dân dã Nam Ô trông đẹp như một bông hoa, chân tình mến khách như con người Nam Ô vậy.
Khi thưởng thức một bữa gỏi cá Nam Ô. Vị ngọt nguyên sơ của cá, quyện với mùi rau rừng tươi rói, chát chát, nồng nồng, cay cay, chua chua… cuốn tròn trong lớp áo lụa bánh tráng quyện với nước chấm... Ngon tuyệt.
Gỏi cá Nam Ô quả là một nghệ thuật ẩm thực được những người dân nơi đây chế biến ra, biết chọn những loại cá luôn có sẵn trong vùng, kết hợp tài tình cá với rau rừng hái trên Hòn Phụng (còn gọi là cấm Nam Ô), biết lấy nước luộc đầu cá, lườn cá phối trộn với mè rang, đậu phộng thành một thứ nước chấm, để khi đã chấm cuốn gỏi cá thì không thể nào quên. Người dân ở đây lại còn chế ra một món gỏi cá khác, cũng nguyên liệu ấy, cũng rau rừng ấy, nhưng cá lại không được vắt khô, không dùng thính bắp để trộn mà trộn với mè rang giã dập, phủ lên trên mặt một lớp đậu phộng rang giã dập. Loại gỏi này khi ăn không cuốn bằng bánh tráng, không chấm mà chan nước chấm vào chén, bóp nhỏ bánh tráng gạo đã nướng vào chén và ăn bằng đũa. Cách ăn gỏi này khác hoàn toàn với gỏi cá (chấm nước chấm) nói trên, gọi là “gỏi dà”. Phải chăng do ăn theo kiểu “và” vào miệng (người dân địa phương gọi là “dà”) mà gỏi đã “chết tên” từ đó?
Có nhiều thực khách phương xa thấy món ăn lạ, sau khi thưởng thức đã ví von: Ai đã từng thưởng thức sơn hào hải vị, nếu chưa biết đến gỏi dà Nam Ô là vẫn chưa biết nhiều về nghệ thuật ẩm thực...