Bạch Đằng Giang, Điểm Đến Tâm Linh Đất Cảng
Nổi tiếng cả nước là khu thăm quan văn hóa tâm linh “3 không”, Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) trở thành điểm đến thu hút du khách trên bản đồ chương trình Hải Phòng.
Oai hùng năm xưa, tự hào ngày nay
Những ngày cuối tháng 4 này, lượng khách thập phương về thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang khá đông đúc, nhất là vào dịp cuối tuần. Theo anh Lê Văn Đức, thành viên Ban quản lý khu di tích, lượng du khách đến tham quan, ngắm cảnh, chiêm bái lên đến hàng vạn người. Điều hấp dẫn du khách đến với khu nghỉ dưỡng
tâm linh này chính là giá trị lịch sử, văn hóa gắn liền với những trận thủy chiến oai hùng của cha ông bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Lặn lội từ thị trấn Như Quỳnh (tỉnh Hưng Yên) xuống Hải Phòng, ông Phạm Hồng Thanh, Chủ tịch Liên chi hội Chân Tâm (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thỏa nguyện vọng lớn: dâng hương chiêm bái tại các chùa, đền thờ các anh hùng dân tộc trong khu di tích và tận mắt ngắm cửa sông Bạch Đằng, nơi diễn ra các trận thủy chiến năm xưa. Ông cho biết: “Thông qua những trang sử, áng văn thơ, nhất là qua bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu, mỗi người dân đất Việt đều biết đến giá trị lịch sử của dòng sông này. Đứng trước sông nước mênh mang, tại địa danh đặc biệt, tôi tự hào về truyền thống đánh giặc giữ nước, tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc của cha ông”.
Đối với mỗi người dân ViệtNam, tìm hiểu lịch sử dân tộc bằng việc đến tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa là cách thiết thực. Đó là lý do các trường học, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn thành phố lựa chọn khu di tích Bạch Đằng Giang là địa điểm trải nghiệm thực tế. Từ việc tận mắt nhìn thấy chiếc cọc Bạch Đằng trong nhà trưng bày hay tham quan bãi cọc mô phỏng, được xây dựng dưới lòng sông, chung quanh khu vực tượng đài, nghe chuyện lịch sử, thế hệ trẻ sẽ “ngấm”, thêm tự hào về truyền thống giữ nước của cha ông, gắn liền với tên tuổi của Đức vương Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích
Trải qua thời gian hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, những di sản văn hóa liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng giang còn lại đến ngày nay phần nào phản ánh tầm vóc lịch sử của 3 trận thủy chiến trong lịch sử. Nhận thức được những giá trị to lớn ấy, năm 2008, cùng với sự phát tâm ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, những người có tâm huyết quyết tâm tái dựng một quần thể, ghi lại dấu ấn hồn thiêng sông núi nước Nam, bắt đầu từ dấu tích năm xưa trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.
Chỉ trong thời gian ngắn, các công trình của Khu di tích Bạch Đằng Giang được hình thành. Trước hết là quần thể 3 ngôi đền lần lượt gắn với tên tuổi 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.
Cả 3 ngôi đền đều được kiến trúc theo dáng cổ, với sự kết hợp kỳ công giữa gỗ và đá tự nhiên, tọa lạc dưới bóng cây rợp mát, dọc theo triền núi ven sông, tạo thành vùng sinh thái thơ mộng, trên bến dưới thuyền, sơn thủy hữu tình gắn quyện. Tiếp đến, đền thờ Bác Hồ. Ngoài các đền thờ, trong khuôn viên khu di tích còn có chùa Trúc Lâm, nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông; nhà trưng bày hiện vật và khu vực quảng trường, được xây dựng ngay cửa sông Bạch Đằng.
Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khu di tích, “tiếng lành đồn xa”, thông tin về khu di tích “3 không” bên dòng sông Bạch Đằng được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương và thu hút hàng vạn lượt người dân, du khách về tham quan, chiêm bái mỗi năm. Chị Nguyễn Thanh Mai, người con của Hải Phòng, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê hương nhân dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2018. Đến tham quan khu di tích, chị vui vẻ cho biết: “Tôi ấn tượng bởi độ hoành tráng của quần thể di tích, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Điểm khác biệt lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “3 không”: không mất tiền dịch vụ, không rác thải, không hàng quán”.
Năm 2018, kỷ niệm 1080 năm Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử kể từ trận đánh xuân Mậu Tuất năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền, 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử lần thứ 3 năm 1288 và 790 năm Ngày sinh Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Lê Văn Quý cho biết, thành phố giao Sở và UBND huyện Thủy Nguyên phối hợp tổ chức Giải đua thuyền rồng Hải Phòng mở rộng năm 2018, diễn ra sáng 23-4. Ngoài 6 đội đua của 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố, gồm: Cát Hải, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng và Đồ Sơn, Ban tổ chức mời 4 đội tuyển đua thuyền ở 4 tỉnh bạn, gồm: huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình), huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) và thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Đây sẽ là những hoạt động từng bước để thành phố lập đề án xây dựng công viên Chiến thắng Bạch Đằng- tương lai trở thành địa điểm tổ chức Lễ hội truyền thống kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng xứng tầm giá trị lịch sử.